Bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho rằng, Việt Nam nên xác định công suất điện gió ngoài khơi mục tiêu và ngừng áp dụng giá FIT khi vượt mức đó. Cơ chế giá FIT theo thời gian như hiện nay có thể dẫn tới dư thừa công suất điện gió, từng xảy ra với điện mặt trời.
Hạn chót để hưởng ưu đãi giá 9,8 cent/kWh (khoảng 2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi là dự án phải hoàn thành trước 1/11/2021. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một dự án điện năng lượng gió ngoài khơi nào đi vào vận hành. Trí Thức Trẻ đã có buổi trò chuyện với bà Liming Qiao, về cơ chế giá FIT với điện gió ngoài khơi cũng như mối lo ngại về dư thừa công suất sau thời hạn chót của giá FIT.
Trong 10 năm làm việc tại Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), điều làm bà Liming Qiao ngạc nhiên nhất chính là những thay đổi, chuyển động của lĩnh vực này tại Đông Nam Á. Từ một chủ đề ít được quan tâm, đến nay năng lượng tái tạo đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu. “Đó là một giấc mơ đối với những người làm trong lĩnh vực như tôi (cười)”, bà Liming chia sẻ.
Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng thị trường điện gió ngoài khơi của Việt Nam hiện nay?
Thị trường điện gió ngoài khơi của Việt Nam có tiềm năng rất lớn, một phần nhờ tài nguyên gió thuộc loại tốt nhất trong khu vực. Thêm vào đó, trong giai đoạn này, phát triển nguồn điện được coi là ưu tiên “khẩn cấp” cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bằng chứng là năm ngoái, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là bước đi quyết định tương lai của ngành điện trong 10 năm tới: hoặc là Việt Nam sẽ tiếp tục các dự án nhiên liệu hóa thạch cũ; hoặc thay đổi và có một hệ thống mới, với công nghệ sạch hơn.
Lợi thế của điện gió ngoài khơi là công nghệ, với khả năng giảm chi phí lớn nhất. Trong 8 năm qua, chi phí để vận hành dự án điện gió ngoài khơi giảm đến hơn 67%, và 5 năm tới sẽ tiếp tục giảm 30%.
Vừa qua, một loạt dự án có vốn lên đến hàng chục tỷ USD rót vào Việt Nam, điển hình như dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, La Gàn, dự án tại Bình Thuận… Điều gì đã khiến điện gió ngoài khơi Việt Nam có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại như vậy?
Thứ nhất, việc các doanh nghiệp lần lượt rót vốn vào thị trường này chính là động lực ban đầu. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên “dành một tràng pháo tay lớn” cho những doanh nghiệp này, vì họ chính là người “thử” thị trường cho doanh nghiệp khác. Song đương nhiên, họ cũng sẽ nhận được rất nhiều, và đó là lý do họ đầu tư sớm.
Các doanh nghiệp này đã nhìn thấy tiềm năng ở Việt Nam và coi đây là một thị trường chiến lược khu vực Đông Nam Á. Một khi bước chân vào thị trường, dĩ nhiên doanh nghiệp phải có niềm tin nhất định vào quy mô trong tương lai.
Bên cạnh đó, những dự án này cũng đã tạo ra một thông điệp, thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng quốc tế và các tổ chức tài chính bắt đầu bước vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi chỉ từ 2-3 GW đến năm 2030, chiếm từ 1,45% đến 2% trong tổng công suất điện đến năm 2030. Liệu mục tiêu này đã phù hợp với tiềm năng điện gió tại Việt Nam hiện nay?
Tôi cho rằng công suất điện gió ngoài khơi chỉ từ 2-3 GW là quá thấp. Với tiềm năng về nguồn năng lượng này của Việt Nam, như Ngân hàng Thế giới (WB) trước đó đã đưa ra lộ trình, 10 GW vào năm 2030 là con số khả thi. Bên cạnh đó, việc đặt ra một mục tiêu tham vọng cũng sẽ giúp thúc đẩy đầu tư, dễ dàng thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn vào nhiều dự án hơn.
Vì sao hiệu suất điện gió ngoài khơi cao gấp đôi điện mặt trời, tương đương với điện khí nhưng tỷ lệ nguồn năng lượng này trong các kịch bản đề ra lại thấp nhất?
Thực tế, vấn đề này liên quan đến sự phát triển của công nghệ. Đúng là hiệu suất điện gió ngoài khơi cao, nhưng với những dự án trong quá khứ, cách đây khoảng 5 đến 10 năm chẳng hạn, chúng ta chỉ có thể lắp đặt theo công nghệ cũ, các tuabin chỉ có công suất từ 2-3 MW. Hiện tại các tuabin đang sử dụng hầu hết đều đạt công suất trung bình 4-5 MW. Đó là một phần lý do tại sao tỷ lệ nguồn năng lượng này lại thấp như vậy trong quá khứ.
Hiện tại, công nghệ vẫn còn tương đối mới đối với Chính phủ, cũng như các nhà điều hành hệ thống. Do vậy, việc đón nhận và áp dụng vẫn chưa thể rộng rãi, nhất là khi chúng ta vẫn chưa có một dự án điện năng lượng gió ngoài khơi nào đi vào vận hành.
Hiện nay đang có tình trạng nguồn điện năng lượng tái tạo phát triển quá nhanh, dẫn đến dư thừa nguồn cung, nhưng điện vẫn thiếu. Vì sao lại như vậy?
Trong 2 năm qua, sự gia tăng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi năng lượng mặt trời, với 17 GW được lắp đặt trong thời gian rất ngắn. Tôi nghĩ rằng năm nay, chúng ta cũng sẽ chứng kiến một đợt “gió ngoài khơi đổ vào” tương tự, khi giá FIT cho điện gió ngoài khơi với mức 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng) hết hạn vào ngày 1/11 tới.
Điều này dẫn đến lưới điện gặp 2 thách thức lớn. Thứ nhất, tiến độ xây dựng đường truyền không kịp với sự phát triển của các dự án, cả với năng lượng mặt trời, hay điện gió trên bờ.
Thách thức còn lại là làm thế nào đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện, tránh trường hợp lãng phí bởi năng lượng tái tạo ồn phụ thuộc vào thời tiết. Ví dụ sẽ không có mặt trời vào ban đêm hay không có năng lượng gió ở khu vực không có gió.
Vì sao hiện nay, chỉ có những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, hay hầu như là các nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam?
Thông thường, trong những lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi, chúng ta thường thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài, hầu hết từ châu Âu rót vốn vào châu Á, bởi đơn giản là họ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này rồi. Vì vậy, họ cũng hiểu rõ những rủi ro liên quan đến các dự án.
Mặt khác, khi các doanh nghiệp này bước chân vào thị trường, doanh nghiệp trong nước sẽ có thể học hỏi kinh nghiệm thông qua hợp tác. Ví dụ như dự án điện gió La Gan cũng đã có sự tham gia của 4 nhà thầu tại Việt Nam, gồm: Tập đoàn CS Wind, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C), Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Nam (Alpha ECC) và Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro về cung cấp móng cọc và hậu cần cảng biển. Tương tự, dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind (Bình Thuận) cũng vậy.
Nhiều chuyên gia cho rằng cơ chế đấu thầu sắp tới có thể “làm khó” nhà đầu tư điện gió ngoài khơi. Bà có nhận xét gì về điều này?
Đấu giá là một cơ chế tốt, nhiều quốc gia từ châu Âu đến châu Á đã áp dụng cơ chế này. Khi đó, chi phí có thể giảm, cũng như điện sớm được đưa vào vận hành thương mại, có thể chỉ trong vòng 2 đến 3 năm.
Tuy nhiên, tôi muốn chuyển đến một thông điệp cho hầu hết quốc gia trải qua quá trình chuyển đổi từ FIT hoặc chương trình hỗ trợ khác sang đấu giá: trong giai đoạn chuyển giao, sẽ có sự chồng chéo của hai hệ thống. Đây là giai đoạn mà sản phẩm từ cơ chế cũ, điển hình như 7 GW được hỗ trợ trong giai đoạn trước sẽ không rõ được phân bổ như thế nào tiếp theo.
Việc các quốc gia nên làm để tránh hiện tượng chồng chéo là: sản phẩm ở giai đoạn trước có thể vận hành với cơ chế cũ, cho đến lúc chính phủ đưa ra quyết định có áp dụng cơ chế đấu giá hay không.
Một vấn đề nữa, chính phủ không nên đặt ra mục tiêu giá FIT trong một khoảng thời gian cụ thể. Không ai có thể chắc chắn trong 3 năm tới, cơ chế sẽ hoàn thiện. Về cơ bản, chúng ta nên đặt ra mục tiêu như đến năm bao nhiêu, công suất điện gió ngoài khơi sẽ đạt 4 GW chẳng hạn, thì sẽ không áp dụng giá FIT nữa mà chuyển sang đấu giá. Rồi từ đó đặt ra kế hoạch cam kết giá FIT như thế nào, kết nối với lưới điện quốc gia ra sao…
Tôi nghĩ, mối lo ngại của Chính phủ Việt Nam trong 2 năm qua là có quá nhiều công trình lắp đặt năng lượng mặt trời, với tổng công suất lên đến 17 GW, được hỗ trợ theo giá FIT. Đối với điện gió ngoài khơi, Chính phủ sẽ không để xảy ra tình trạng này.
Vậy Việt Nam nên chuẩn bị gì cho việc áp dụng ngay cơ chế đấu thầu cho các dự án điện gió ngoài khơi sẽ có sau ngày 31/10?
Xây dựng cơ chế đấu giá không dễ dàng như chúng ta đọc trên báo cáo, hay nhìn sang những quốc gia khác. Phải mất hàng năm để cơ chế này có thể đi vào hoạt động. Vì vậy, việc tiếp tục áp dụng giá FIT trong giai đoạn chuyển giao có thể giúp Chính phủ điều chỉnh cơ cấu đấu giá hiệu quả hơn.
Theo kinh nghiệm của bà, xu hướng chuyển đổi năng lượng Việt Nam có giống với quốc gia nào trên thế giới trong quá khứ?
Châu Âu là một ví dụ điển hình nhất. Ở khu vực châu Á, chúng ta đã thấy Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu quá trình chuyển đổi này. Đối với khu vực Đông Á thì Nhật Bản và Hàn Quốc cũng rất tích cực. Năm ngoái, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã cam kết mục tiêu không phát thải ròng đến năm 2050.
Tại khu vực Đông Nam Á, chúng ta cũng thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong 2 năm qua. Đặc biệt khi Việt Nam đang dẫn đầu toàn khu vực với những chính sách về năng lượng tái tạo cụ thể, cũng như các mục tiêu khác nhau về năng lượng mặt trời, gió… Một điều rất đáng tự hào là Việt Nam đang đóng vai trò đầu tàu cho công cuộc chuyển đổi này.